Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 3)

ky-thuat-trong-lan-dendrobium

Tiếp theo ta sẽ bàn về phần kỹ thuật trồng lan Dendrobium, nhưng trước hết ta sẽ nói khái quát sơ qua rồi đi vào từng phần cụ thể hơn.

Có thể nói kỹ thuật trồng lan Dendrobium hiện nay là rất phong phú! Không ai dám cho mình là ghi nhận đầy đủ hết được. Nhưng chúng ta cần nắm vững những kiến thức cơ bản về cây lan, để từ đó suy ra khi chọn cách trồng nào thì chăm sóc theo cách trồng đó.

Vì cách trồng quá nhiều, nên người mới trồng không biết đâu mà lựa chọn cách trồng phù hợp và từ đó pha trộn đủ cách lại với nhau rồi từ đó trồng ra cây lan không giống ai.

Thật ra lan Dendrobium không khó trồng cho lắm, nếu chúng ta làm đúng trình tự. Nhưng khổ nỗi, có khi làm đúng rồi lại không chịu, sửa tới sửa lui rồi nhận lại kết quả thất hại mà không hiểu do lý do gì. Có những việc đơn giản mà người ta làm lung tung đâm ra phức tạp thêm. Ví dụ Đang sử dụng phân bón NPK 30-10-10 cho cây lan 6 tháng tuổi, có người khuyên nên sử dụng loại phân khác nên có chủ vườn lan tìm cho được phân dơi về bón. Kết quả là cây lan “chai ngắt” không lớn được và “đẻ non” ra vài bông. Rồi lại có những việc rất phức tạp nhưng người ta lại đơn giản hóa đến mức coi thường như. Cứ thấy ai xịt thuốc gì thì mình xịt thuốc đó mà không hiểu kỹ cây đang bệnh gì để trị cho đúng cách và cách sử dụng thuốc ra sao. Kết quả là ta vừa tốn tiền tốn công nhưng vườn lan vẫn “bẹp”.

Hiện nay, trong kỹ thuật trồng lan thì chuyện nhức đầu nhất là chất trồng (giá thể) trong chậu. Nào là giá thể bằng than (đủ thứ than với đủ các loại kích cỡ), nào là xơ dừa khô cắt thành ra từng miếng nhét vô chậu, nào là dùng mụn xơ dừa, rồi xơ dừa khô cắt nhỏ trộn chung với mụn xơ dừa và trấu sống (đủ thứ tỷ lệ thành phần), rồi mốp xốp lót đáy chậu rồi phía trên dùng mụn xơ dừa trộn trấu sống…Nếu liệt kê cho hết chắc hết vài trang giấy. Nhưng vấn đề đặt ra là trong rất nhiều loại chất trồng đó thì loại nào tốt hơn? Ngay cả tôi cũng chịu! Cũng chất trồng đó mà cây này lớn ào ào còn cây kia thì èo uột không lớn nổi.

Thật ra, gần như chất trồng nào cũng được, nhưng nếu sai ở khâu kỹ thuật nào đó thì dù cho chất trồng tốt nhất thì cây lan vẫn không còn cơ hội cho chúng ta tán dương “Như hoa phong lan chờ đợi…”.

Ở một số loài hoa lan lai có cánh hở, tuổi thọ của lá khá bền từ 1 – 3 năm nên bộ rễ của chúng cũng thọ theo. Do đó, các loài này được trồng trong chậu có khi 3 – 4 năm mới tách ra trồng lại. Còn lại, phần lớn các loài hoa có cánh hoa tròn, khít thì tuổi thọ khoảng chừng 1 năm. Vì vậy, đến năm thứ hai là các giả hành trước đó không còn lá hoặc ít lá và bộ rễ của giả hành đó cũng mục rữa nên cần phải đem tách ra trồng lại.

ky-thuat-trong-lan-dendrobium
Hoa Lan Dendro cánh hở

Nêu lên như vậy là để tùy vào đặc điểm của từng loài, chúng ta có cách chọn chất trồng có độ bền tương xứng với cây, nhằm đáp ứng nhu cầu kỹ thuật, đồng thời giá thể phải rẻ và dễ tìm.

Sau đây tôi xin nêu ra vài cách trồng và vài loại chất trồng phổ biến, rẻ tiền mà vẫn cho kết quả tốt đối với từng giai đoạn của lan Dendobium.

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 4)