Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 2)

ky-thuat-trong-lan-dendrobium

Tiếp theo chuỗi bài kỹ thuật trồng lan Dendrobium, chúng ta sẽ bàn về việc thiết kế vườn trồng lan Dendrobium sao cho hợp lý nhất

Trong việc thiết kế vườn lan chúng ta cần đáp ứng những điều kiện môi trường gần giống với điều kiện tự nhiên cho thích hợp với từng loại cụ thể. Các yếu tố môi trường cần quan tâm gồm: ánh sáng, độ thông thoáng để không khí được chuyển động (gió nhẹ), độ ẩm trong không khí trên 60% và nhiệt độ. Riêng ánh sáng có hai yếu tố cần lưu ý là thời gian chiếu sáng dài hay ngắn, cường độ chiếu sáng dịu hay gắt.

Chính vì sự đòi hỏi điều kiện môi trường rắc rối như vậy, trong khi đó không thửa đất nào giống thửa đất nào cả, nên các chủ vườn thiết kế đủ kiểu,, không ai giống ai. Và do sự không đồng đều về các yếu tố nói trên ở mọi vị trí trong vườn, có vườn thì chỗ này thì cây tốt, chỗ kia thì cây quá xấu. Với người trồng chuyên nghiệp thì không bàn, người chưa biết thì như đứng trước “mê hồn trận” và không biết phải theo vườn nào. Vậy đi vào chi tiết chúng ta phải làm sao.

     1.Vấn đề ánh sáng

Nếu chúng ta trồng các dòng lan Den ra hoa quanh năm thì cần thời gian chiếu sáng từ sáng sớm đến chiều với cường độ chiếu sáng qua lưới màu đen, sọc xanh che 50% ánh sáng. Vì ánh sáng ít hơn lan sẽ ít hoa.

Nếu chúng ta trồng các dòng lan Den ra hoa theo mùa thì chú ý loài hoa đó ra hoa mùa ngày ngắn hay ngày dài. Nếu nó ra hoa lúc gần tết, nghĩa là ngày ngắn, thì không nên để đèn chiếu sáng trong vườn. Về cường độ thì hầu hết các loài này mọc dưới tán cây rừng nên ánh sáng qua lưới khoảng 35% – 40% là vừa. Cường độ ánh sáng cao quá cây sẽ sinh trưởng yếu (cây chậm lớn).

Lưu ý: Vấn đề ánh sáng tuy đơn giản nhưng cũng cần xem xét một cách linh hoạt. Ví dụ: Diện tích nhỏ ở nơi phố thị tuy ánh sáng mặt trời không rọi trực tiếp, nhưng vách tường hai bên có màu sáng thì ánh sáng phản chiếu từ nó cũng tương đối tốt. Trường họp này nên làm lưới di động (có thể kéo ra che khi nắng gần đứng bóng và thu lại khi nắng nhẹ).

      2.  Độ Thông Thoáng 

Yêu cầu kỹ thuật là vị trí làm giàn lan không bị bao quanh bởi rào chắn hoặc tán cây có chiều cao quá 1m ở sát vào gian lan. Nếu nơi nào trống trải quá thì dùng lưới bao quanh để cản bớt gió vì gió mạnh làm cây lan khó bám rễ và hoa va đập vào nhau.

Độ thông thoáng còn liên quan đến độ cao của mái lưới. Diện tích càng lớn thì che càng cao (từ 3,5m – 4,0m), đồng thơi tạo ra chỗ thấp chỗ cao, nhằm tạo điều kiện cho không khí đối lưu dễ dàng.

Vậy vị trí   5 – 10m2  trong hoàn cảnh nhà của bị vây quanh thì sao? Người ta dùng quạt điện loại nhỏ để làm cho không khí chuyển động.

       3.   Độ ẩm

Trừ những nơi đất thấp có đọng nước, khi trồng trên giàn treo hoặc sạp thì do sự bốc hơi nước khá tốt nên độ ẩm trong vườn luôn cao. Còn đối với những nơi cao ráo thì nên thường xuyên 1 – 2 lần trong ngày phun hoặc tưới sương để tăng thêm độ ẩm trong không khí, nhất là những ngày nắng nóng và có nhiều gió. Chính việc tưới phun sương này vào lúc nắng nóng sẽ làm giảm nhiệt độ, sẽ làm cho cây lan quang hợp tốt hơn (vì khi nhiệt độ vượt quá 30 độ C thì cây lan sẽ ngừng quang hợp).

Chúng ta hãy thử so sánh những loại lan (kể cả nhiều loài cây khác) sống ở nơi có khí hậu mát mẻ (ôn đới) như Lâm Đồng với những loài sống ở nơi có khi hậu nóng như miền Đông Nam Bộ (ĐNB) thì sẽ nhận thấy: Cây sống ở Lâm Đồng chúng lớn nhanh hơn cây ở miền ĐNB. Vì sao lại có hiện tượng này? Đó là do hoạt động quang hợp ở cây lan sống ở khí hậu mát mẻ được thực hiện liên tục, còn cây lan sống ở nơi khí hậu nóng thì chỉ quang hợp được vài giờ đầu và cuối trong ngày.

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 3)