Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 9)

bon-phan-cay-lan-dendrobium

Ở phần tiếp theo này ta sẽ bàn về việc bón phân cây lan Dendrobium.

Hoa lan có bộ rễ cấu tạo khác nhiều loài cây sống trên đất. Cùng trên một cây lan, rễ chúng có thể chui vào chất trồng thoáng, xốp; bám bên ngoài chậu, gốc cây…hay không bám vào gì cả. Nhưng các rễ đó đều có cấu tạo giống nhau. Phần chóp non có nhiệm vụ đi tới nơi có độ ẩm và thức ăn là phân bón, chúng tiết ra chất để bám vào giá thể…

Do chúng có một phần nằm trơ ra ngoài nên chúng rất dễ bị tổn thương do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, việc bón phân là một yếu tố gây ra tổn thương một cách thường xuyên nếu chúng ta làm không đúng.

Vì vậy bón phân cho cây lan Dendrobium cần Tuân theo những nguyên tắc sau:

– Trước hết, nếu chúng ta dùng phân bón lá thì nên chọn lúc sáng sớm khi chưa có nắng rọi trực tiếp hoặc nếu có thì nắng còn yếu (thường là khoảng 7h trở lại). Do lúc này độ ẩm không khí còn cao, nhiệt độ thấp nên nước bốc hơi chậm, cây lan có thời gian hấp thu trọn vẹn (phân bón ít bị đọng lại trên lá và rễ). Cây vừa nhận được phân bón (thức ăn) thì sau đó quang hợp ngay (vì có ánh sáng) để tiêu hóa và về đêm sẽ chuyển hóa… Nếu bón vào chiều mát cây sẽ hấp thụ không hết, cộng với độ ẩm không khí và độ ẩm trên cây thì nấm, vi khuẩn sẽ phát triển mạnh (phân bón cho cây cũng là thức ăn cho nấm và vi khuẩn, nhất là phân hữu cơ). Theo tôi, chúng ta bón vào chiều mát thì chẳng khác gì cung cấp điều kiện tối ưu để nấm và vi khuẩn tha hồ phát triển. Mặt khác, giống như người chuẩn bị đi ngủ mà còn xơi thêm một bụng thức ăn để rồi sinh đủ thứ bệnh.

– Kế đến, việc bón phân cũng cần tuân theo nguyên tắc: “lá nhiều bón nhiều” (nhiều theo định mức) vì khả năng quang hợp tốt; “lá ít bón ít” (giảm bớt định mức) vì khả năng quang hợp yếu; “không còn lá không bón” vì dù khả năng quang hợp ở đầu rễ và giả hành có diễn ra nhưng không đáng kể do diện tích quang hợp được rất nhỏ; “cây đang bệnh thì tuyêt đối không được bón” phải trị bệnh xong mới được bón (vì bón phân khi cây đang bệnh thì cây sẽ bệnh nặng hơn). Cây cũng như người vậy, đang bệnh mà bảo phải ăn món ngon và ăn thật nhiều như lúc khỏe thì…cấp cứu.

– Ngoài ra, chúng ta cũng nên linh động trong việc bón phân.  Ví dụ: Cây con cần đạm (N) nhiều hơn lân (P) và Kali (K) để chúng phát triển mạnh. Nhưng nếu chúng tăng trưởng nhanh quá, cây yếu ớt không cứng cáp thì cũng nên giảm bớt 1 – 2 kỳ bón phân hoặc tăng thêm K cho cây cứng cáp lại (NPK 20 – 20 – 20). Ở trường hợp khác, cây đến tuổi ra hoa nhưng còi cọc quá thì chúng ta lại tăng N nhiều hơn để cây sung sức trở lại (nếu ép chúng ra hoa thì cây sẽ suy kiệt nhanh). Vào mùa mưa, nước mưa thường có đạm do sấm sét tạo ra. Do đó, cần phải theo dõi để giảm đạm bằng cách tăng thêm K như trên.

Sau đây là bảng tham khảo loại phân bón và nồng độ phân bón:

– Đối với cây con dưới 8 tháng tuổi: Ở giai đoạn cây mô cần ra chồi, ra rễ là chính. nên dùng phân NPK có công thức 30-10-10 (có vi lượng) với nồng độ 1gram/3 lít nước phun cách nhau 3 – 4 ngày/1 lần. Và sau đó mỗi tháng tăng dần lên cho đến tháng thứ tư là 1gram/1 lít nước. Từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 8 tăng dần lên tăng dần lên 2gram/1 lít nước. Trong giai đoạn này nếu dùng phân bón chậm tan NPK (Nurseryace – NA) 12-6-6-2 bón vào gốc thì không cần dùng đến phân bón lá cây vẫn sinh trưởng mạnh.

– Đối với cây từ 9 – 12 tháng tuổi: Dùng NPK 20-20-20 (có vi lượng) nồng độ 3gram/1 lít nước, mỗi tuần 2 lần. Trong giai đoạn này nếu dùng phân bón chậm tan NPK (IBS – 1) 10-10-10-1 bón vào gốc thì có thể không cần dùng đến phân bón lá.

– Đối với cây từ 13 tháng tuổi trở lên: Khi giả hành cuối cùng sắp hoàn chỉnh dùng NPK 10-50-10 (có vi lượng) nồng độ 3gram/1 lít nước, mỗi tuần 2 lần. Khi nào thấy phát hoa dài ra khoảng 2cm thì dùng NPK 20-20-20 cho đến khi ra hoa (Nếu có bón phân chậm tan 10-10-10-1 vào gốc  thì không cần phun 20-20-20).

– Đối với cây ra hoa xong cần thúc đẩy ra giả hành mới: Bón NPK 30-10-10 như đối với cây con, nồng độ lúc này là 3gram/1 lít nước, mỗi tuần 2 lần. Khi giả hành lên cao và sắp ra hết lá thì dùng NPK 10-50-10 để thúc cho ra hoa…

Quy trình này lặp đi lặp lại. Nhưng trong dưới luống thì khó mà phân loại như chậu được, như vậy sử dụng NPK 20-20-20 (hoặc 10-10-10-1) xen kẽ với 10-50-10 tùy theo tình hình cụ thể hoa ít hay nhiều.

Những điều cần lưu ý khi bón phân:

– Việc bón phân cho lan cần tuân thủ theo quy trình, tuy đơn giản nhưng phải nghiêm ngặt, đặc biệt với Den. Mười lần lần đúng chỉ cần một lần sai là “thua chắc”! Do vậy, nếu bón phân qua lá phải theo tuần tự 3 bước sau:

+ Tưới nước ướt đẫm toàn thân, lá, rễ.

+ Theo dõi thấy lá vùa ráo nước thì phun phân.

+ Sau khi phun phân thấy lá rao nước thì phun nước lại lần nữa.

Lưu ý

– Quy trình trình trên không được tính bằng thời gian vì độ ẩm không khí mỗi ngày mỗi khác. Nếu để rễ khô mà phun phân sẽ làm hư rễ (hư lông hút), nếu sau khi bón phân tưới lại không kịp cũng bị tình trạng trên.

– Chúng ta đừng nghĩ rằng phân bón bị trôi đi khi tưới lại lần sau. Vì phân bón lá được hòa tan ở nồng độ loãng thì trong khoảng 30 giây là nó thâm nhập vào cây, nhưng nước bốc hơi nhanh số còn lại sẽ bị đậm đặc và sẽ không xâm nhập vào cây được mà lại hút nước từ tế bào cây trở ra gây cháy rễ. Vì vậy, lần tưới sau cũng là giúp cho lượng phân còn lại còn bám trên cây hòa tan với nước để cây tiếp tục hấp thụ.

– Tuy nhiên, đối với lan Den nên dùng phân bón lá phun vào gốc theo định kỳ, có kết hợp với bón phân chậm tan ở gốc sẽ tốt hơn là phun qua lá (vì đây là con đường theo quy luật tự nhiên). Rễ sẽ tự điều chỉnh nạp phân vô tiếp hay dừng lại. Còn bón qua lá thì ai dám chắc nó còn nạp tiếp hay không? Lỡ nó không cần nữa thì sinh chuyện là đương nhiên.

Qua theo dõi nhiều năm, khi bón phân qua lá đối với cây lan Dendrobium thì bệnh do nấm Cerospora dendrobii coi như không thể nào trị dứt được! và cuối cùng lá sẽ rụng. Hậu quả là cây không sung, hoa ngắn, nhỏ, màu sắc nhợt nhạt và thúi rễ (do bộ lá là nơi chế biến thức ăn để tạo ra dinh dưỡng cho cây, nó rụng lá đi thì cây không èo uột mới là chuyện lạ).

– Khi bón dư phân nhiều hơn định mức cũng làm cây bị hư rễ vì vậy nên bón theo đúng nồng độ hướng dẫn hoặc thấp hơn.

– Từ trước tới giờ, vào mùa mưa thường có những ngày không có nắng, bây giờ mùa nắng cũng có mưa. Vậy hôm nào trời âm u, không nắng cả ngày thì không nên bón phân vì hiệu quả hấp thụ kém và dễ bị bệnh.

–  Đối với lan Den cắt cành thì nên tránh việc vừa bón phân xong là cắt hoa ngay (hoa sẽ mau tàn). Nên cắt hoa trước khi bón hoặc sau khi bón 1 ngày để cây có thời gian tiêu hóa phân bón 1 cách trọn vẹn.

– Thực vật nói chung và hoa lan nói riêng, muốn sinh trưởng và phát triển tốt thì cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất, cân bằng và hơp lý. Nên ngoài phân đa lượng NPK thì nó cần nhiều các nguyên tố khác ở mức độ ít (phân trung lượng và vi lượng). Vì vậy, chúng ta nên chọn những loại phân có kèm theo các nguyên tố trung lượng và vi lượng để bón cho cây. Trong trường hợp nghi ngờ, cây đang thiếu nguyên tố nào đó thì cần tìm hiểu kỹ chính xác nó đang thiếu gì rồi hãy bổ sung thêm. Vì nếu bổ sung sai thì sẽ làm cây bị rối loạn và dị dạng. Trên thực tế hiện nay, rất ít vườn lan có cây bị thiếu trung lượng và vi lượng; nếu có thì số lượng cũng rất ít, không đáng kể.

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 10)