Chúng ta vừa xong phần Kỹ thuật chăm sóc. Tiếp theo chúng ta sẽ vào tiếp phần cực kỳ quan trọng đó là Phòng trừ dịch hại cho cây lan Dendrobium.
Phòng trừ dịch hại cho cây lan Dendrobium
Có thể nói chắc chắn: Điều đáng sợ nhất đối với người trồng lan là bệnh trên cây lan, còn côn trùng thì không đáng ngại lắm, ngoại trừ dịch giòi đục hoa mới bùng phát lên từ vài năm nay đã làm cho người trồng lan Den điêu đứng (nặng nhất là năm 2011). Và cũng không quá lời khi nói rằng: Nếu không nắm vững vấn đề phòng trừ dịch hại trên cây lan thì coi như lỗ nặng! Nhưng qua tìm hiểu thực tế, khá nhiều người trồng lan rất chủ quan về vấn đề này. Phần lớn là xử lý một cách rất bị động hoặc hết sức hời hợt.
Chúng ta muốn chủ động hạn chế tối đa dịch hại trong điều kiện hiện nay thì cần phải nắm chắc vấn đề một cách căn bản. Vì vậy trước khi trình bày chi tiết bệnh gì, thuốc gì trên cây lan Den, tôi xin nêu vài nét tổng quát để từ đó chúng ta vận dụng vào vấn đề sản xuất.
Những điều cần quan tâm khi Phòng trừ dịch hại cho cây lan Dendrobium
– Đầu tiên, nói đến phòng bệnh thì khâu giống phải sạch bệnh, kháng bệnh luôn luôn được đặt lên đầu. Nhưng hiện nay, cây giống nhập từ Thái Lan về và cây giống tại Việt Nam (không tính loại còn trong chai) thì mầm bệnh là “vô thiên lủng”. Tìm giống sạch bệnh là gần như tưởng! Do quá trình thu gom giống, vận chuyển và trồng mới cũng góp phần vào sự nhiễm bệnh do rễ, thân, lá bị tổn thương. Thêm nữa cây lan Dendrobium có nhiều loại, loài nào kháng được bệnh nào, bệnh nào dễ bị nhiễm bệnh nhất thì cũng còn nhiều người chưa rõ nhưng vẫn cứ nhập “búa xua”, màu nào thị trường ăn hàng là trồng, cứ nhập về trồng đại rồi tính sau.
Xét ở mặt khác, cho dù cây giống đem về có sạch bệnh như thế nào thì khi trồng nếu không vệ sinh chất trồng, vườn tược cho kỹ và chăm sóc đúng cách thì vẫn có một số cây bị thối nhũn hoặc không lớn được, nghiêm trọng hơn là “tiêu” hết luôn!
Vậy để hạn chế tối đa sự hao hụt ban đầu, khi đem cây lan về chúng ta nên phun ngừa bệnh do nấm Phytophthora làm nhũn cây (đây là bệnh gây thiệt hại lớn nhất)
– Kế đến chúng ta biết rằng, chuyện thuốc men cho cây trồng là cả một vấn đề! vậy muốn sử dụng có hiệu quả, điều bắt buộc là phải biết 4 điều (còn gọi là 4 đúng). Đây không phải là chuyện chúng ta tự đặt ra mà đó là quy ước chung của quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ thực vật (BVTV). Và 4 đúng đó là:
+ Sử dụng đúng lúc
Nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng thuốc khi dịch hại có khả năng đạt đến ngưỡng mức gây thiệt hại mà việc dùng thuốc phải có hiệu quả kinh tế. Ví dụ mức thiệt hại tối đa là 100.000 đồng, nếu dùng thuốc cộng công lao động…tốn khoảng 100.000 đồng thì nên biếu không cho chúng luôn. Nhưng nếu những chi phí trên thấp hơn thì phải xử chúng ngay.
Trường hợp buộc phải xử lý dịch hại bằng thuốc (vì chắc chắn sẽ bị thiệt hại lớn) thì không phải cứ ôm bình xịch là được. Nên chọn lúc con non vừa mới nở và bệnh vừa chớm thì hiệu quả sẽ rất cao. Lý thuyết là như vậy! Nhưng khổ nỗi từng loại dịch hại cụ thể, diễn biến vòng đời, cách phát tán ra sao…thì còn lắm thứ chúng ta mù tịt…Cả trăm thứ cần hiểu tường tận thì hơi bị khó. Đành phải phun phủ đầu trước. Vậy là sao? Có thể cách làm này chưa hay lắm nhưng hiện nay tôi không chờ chúng xảy ra mới phun mà là phun thuốc ngừa trước đối với nhiều loại dịch hại cho chắc. Thà giết lầm còn hơn bỏ sót! Vì thực tế lơi lỏng một chút là ôm xô ngay.
Người xưa có câu biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng! Do đó, ta cũng nên đầu tư thời gian tìm hiểu để ít nắm cho được những loại dịch hại nguy hiểm mà chủ động phòng trừ. Đó mới là thượng sách.
Đối với loài dịch hại, khả năng lây lan chậm và kiểm soát được bằng mắt thường như có vài con sâu hoặc 1 – 2 lá bị đốm thì bắt bằng tay, cắt tỉa lá bệnh là xong, khỏi cần đến thuốc.
+ Sử dụng đúng loại thuốc
Thuốc thì có đầy! Nhưng muốn mua đúng loại thuốc đòi hỏi chúng ta phải biết cây lan Dendrobium đang bị bệnh gì hay loài côn trùng nào đang phá hoại vườn lan của bạn? Nắm không chính xác thì sẽ rơi vào tình trạng “đau Nam chữa Bắc” và bạn sẽ nhận kết quả “tiền mất vật tiêu”. Cho nên phải nhớ “bệnh nào thuốc nấy”.
Mỗi một loại thuốc có thể có nhiều tên thương mại khác nhau (còn gọi là bên biệt dược). Ví dụ: Tên thuốc là thành phần hay còn gọi là hoạt chất có dòng chữ “nhỏ xíu” phía dưới ghi Fosetyl Aluminium (đó là tên thuốc). Còn hàng chữ to đùng ALIETTE bên trên là tên thương mại do hãng Baye sản xuất. Nhưng cũng là loại thuốc trên, Công ty thuốc trừ đâu SaiGon sản xuất thì có tên thương mại là ALPINE. Hai cái tên dù “trớt quớt” nhau nhưng nhưng cũng là một chất mà thôi! Nói cách khác là cùng một thứ rượu nhưng được đựng vào nhiều loại bình khác nhau. “Bình mới, rượu cũ” mà! Đây là quy ước quốc tế, chúng ta nhìn vô thì biết ngay còn không thì…
Giả sử có loại thuốc nào đó cho phép chúng ta pha chung với các loài thuốc khác theo cách “2 trong 1” để giảm công lao động, nhưng có kèm theo khuyến cáo không được pha chung
với thuốc có tên là Thiophanate-Methyl. Nếu không hiểu vấn đề nêu trên, mà lầm tưởng gói thuốc TOPSIN là thuốc khác, khi pha chung vào bình thuốc mất tác dụng ngay. Vì TOPSIN chính là Thiophanate-Methyl. Vậy tại sao nhà sản xuất không ghi là không được pha chung vơi TOPSIN? Do loai thuốc trên có cả chục tên thương mại khác nhau (có loại gần 20 tên thương mại) làm sao mà biết hết được.
Biết tên thuốc còn giúp chúng ta trong việc mua thuốc. Có trường hợp mua thuốc có tên thương mại là CONFIDOR để diệt bọ trĩ, nơi bán thuốc không có CONFIDOR mà đưa loại có tên là ADMIRE người mua không chịu vì cho đó là thuốc khác! Hai tên trên chỉ là một chất mà thôi. Ở trường hợp khác, có người biết là nên thay đổi thuốc để tránh sự lờn thuốc (kháng thuốc) đối với một loại dịch hại nào đó, lần này dùng VICARBEN là sau dùng CARBENZIM; nào có hay nó cũng chỉ một hoạt chất! Đó là chưa kể sự khác nhau của dạng thuốc. Cũng là một thứ nhưng có loại ở dạng dung dịch (DD), có loại ở dạng (ND, EC), có loại ở dạng huyền phù (SC)… Nhức đầu!
Việc sử dụng đúng loại thuốc cũng mới đạt yêu cầu một phần nào thôi, vì cần phải biết loai đó tác động kiểu gì để “hạ gục đôi phương”. Chỉ khi nắm chắc thì dùng mới hiệu quả cho từng trường hợp.
Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất thường có ghi thông tin là: thuốc tác động tiếp xúc; vị độc; thấm sâu (thẩm thấu); hay là lưu dẫn (nội hấp)… Nếu không chú ý thì có thể pha chế lộn xộn hoặc phun không đúng cách sẽ làm giảm tác dụng của thuốc rất nhiều. Chẳng hạn: Thuốc tiếp xúc có tác dụng chỉ cần chạm vào đối tượng dịch hại là được và nó có đặc điểm phun đâu bám đó ở bên ngoài nên dễ bị rửa trôi, vì vậy mới cần dùng đến chất bám dính. Nhưng thuốc có tác dụng thấm sâu (thấm sâu vào mô lá) nếu pha chúng với chất bám dính thì thuốc không thấm nhập vào cây được. Một chi tiết khác, do thuốc tiếp xúc nằm yên một chỗ, lỡ phun không đều thì loài côn trùng nào có khả năng di chuyển đang bám vào nơi không có thuốc mà đi vào nơi có thuốc thì có thể đi luôn , nhưng những loài chỉ nằm ỳ một chỗ như rệp dính hay một số loài nấm thì lúc này thuốc không có tác dụng gì với chúng. Vì đối phương nấp ở gò mối, còn ta bắn vào gốc dừa.
Có nhiều loại thuốc trên thị trường hiện nay trị được nấm Phytophthora nhưng lại chỉ có tác dụng tiếp xúc (nghĩa là chỉ diệt được chúng khi còn bên ngoài, còn khi chúng đã vào bên trong căn hành, giả hành…thì thuốc đó có hay cách mấy thì cũng “vuốt nhớt” nó thôi!). Trường hợp này dùng thuốc có tác dụng lưu dẫn mới có hiệu quả.
Đối với thuốc tiếp xúc thời gian diệt được đối tượng gây hại phải mất vài giờ. Chưa kịp ngấm thuốc thì mưa ào tới buộc lòng phải phun lại thuốc khác vào hôm sau. Nhưng nếu chúng ta phun thuốc có tác dụng thẩm thấu hoặc lưu dẫn thì khoảng nửa tiếng thì thuốc đã vào bên trong rồi. Lúc đó, gió mặc gió, mưa mặc mưa, không sao cả. Và cũng vì đặc điểm này, nếu sau khi phun, nước bốc hơi nhanh quá thì thuốc cũng khó vào bên trong được. Vì vậy, lúc phun độ ẩm trong vườn phải cao và chọn lúc ít gió.
Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 12)