Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 5)

ky-thuat-trong-lan-dendrobium

Trong phần 5 này ta sẽ bàn về chất trồng cây lan dendrobium sắp trưởng thành (8 tháng tuổi trở lên). Mấy bạn lưu ý rằng là không có chất trồng nào là tuyệt hảo cả chỉ có phù hợp hoặc không phù hợp với từng loài lan và từng giai đoạn của cây lan thôi nhé.

Và sau đây tôi sẽ đi vào cụ thể hơn. Chất trồng có thể dùng một trong vài loại sau:

a) Xơ dừa khô

Lấy ở khoảng 2/3 phía cuống (mềm) cắt thành miếng cỡ bằng ngón tay người lớn có chiều cao thấp hơn chiều cao của chậu khoảng 1cm, đập dập (vì để nguyên miếng sau này dễ bị úng nước do lớp vỏ bên ngoài lâu phân hủy)

b) Than

Nên dùng các loại nhẹ do nó xốp (không dùng than đước và than dầu), ngâm nước vài giờ sau đó xả qua nước sạch trước khi trồng

Cách trồng: Cho vào đáy chậu 1 lớp than lớn hơn ngón tay cái người lớn, dày đến hơn 1/2 chiều cao của chậu, rồi đến 1 lớp than tương đương ngón tay trỏ người lớn ở phía trên. Không nên dùng than quá lớn vì than có sự giãn nở làm đứt rễ lan. Mặt khác, với than lớn tổng diện tích bề mặt chất trồng ở trong chậu sẽ ít, làm sự hút nước bị chậm.

c) Dùng mốp xốp

Loại hơi mềm bẻ thành từng miếng như than nói trên, bỏ vào đáy chậu 1 lớp khoảng 1/3 chiều cao của chậu. Sau đó, dùng mụn xơ dừa (loại hạt to) 1,5 phần trộn với 1 phần trấu sống đổ vào phần trên và ém nhẹ

Yêu cầu kỹ thuật: mụn dừa nên ngâm vào nước cho ướt đẫm, sau đó vớt ra ngay và vắt ráo để loại bỏ chất chát và ngăn ngừa nhiễm mặn. Riêng phần mịn quá lắng xuống đáy ta bỏ đi vì nếu sử dụng dễ gây úng nước làm thúi rễ.

Chất trồng này có ưu điểm như xơ dừa là ít tốn nước nhưng rất tiện khi cần thay chất trồng hay sang chậu. Khi cần thay chất trồng chỉ cần nghiêng chậu dùng vòi nước phun mạnh vào là chúng trôi ra hết. Ngoài ra, còn có thể kết hợp tách những giả hành già và rễ hư mà không làm tổn thương nhiều đến các giả hành còn lại.

Bên cạnh đó, về mặt lý thuyết thì cây lan được tưới ướt đẫm lần đầu trong ngày, nếu muốn tưới lai phải chờ cho chất trồng khô ráo hẳn rồi mới tưới tiếp, nhằm mục đích là không để nước chiếm khoảng trống quá lâu là mất oxy, dẫn đến việc hư rễ hoặc phát triển kém. Vậy dùng xơ dừa hoặc mụn xơ dừa cộng với trấu sống thì chất trồng ẩm ướt suốt cả ngày và đêm sẽ ra sao? Thực tế trả lời là nó vẫn sống tốt cho nên Thái Lan đã dùng xơ dừa khô trồng lan từ lâu. Mặc dù chất trồng này giữ ẩm cao, nhưng do xơ dừa có dạng thể xốp nên các khoảng trống li ti cộng lại là rất lớn, tưới nước vừa phải thì ta không sợ rễ thiếu oxy. Mặc khác, nhiều loài nấm mốc ta thường gặp trên than thì ta không gặp trên xơ dừa. Một lợi điểm nữa là, khi dùng phân bón chậm tan trên chất trồng này sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều (do độ ẩm cao nên phân được phóng thích thường xuyên).

d) Một cách trồng phổ biến khác

Là dùng gốc cây khô và ghép các cây lan chung quanh nó. Loại trụ gỗ thường dùng là những loại gỗ có độ bền như cây vú sữa…

ky-thuat-trong-lan-dendrobium
Trồng lan trên trụ gỗ

Ưu điểm của cách này là bộ rễ thoáng, dễ kiểm soát và chúng cũng ít bệnh hơn… Tuy nhiên nếu dùng gốc cây quá lớn thì gốc lan ở 2 phía đông tây sẽ nhận cường độ ánh sáng không đều trong ngày; cây bên dưới lại càng ít hơn nên chúng khó lớn đều. Vậy nếu trồng ghép vào gốc cây thì nên chọn gốc cây có đường kính khoảng 20cm là vừa. Và khi ghép lan vào nên chọn những loài có kích cỡ nhỏ ở phía trên.

Việc bố trí trụ lan cũng nên giãn thưa một cách hợp lý, vì để dày quá thì trụ này che nắng trụ kia luân phiên cũng dẫn đến thất bại (nhất là trụ có nhiều nhánh ngang).

Để cố định vị trí trụ (gốc) lan, người ta thường dùng xi măng trám ở gốc. Nhưng dù chúng ta kỹ lưỡng mấy thì 2 – 3 năm sau thì chỗ tiếp giáp của xi măng cũng bị múc nát do nấm hoặc một số loài sâu đục làm gãy đổ. Để khắc phục tình trạng này, trước đó nên phơi cây thật khô và nhớt cặn liên tục, nhiều lần lên trụ gỗ để cây chậm mục. Rễ lan vẫn bám vào cây mà không có hại gì cả, đó là chưa kể cây rất chậm bị rong rêu bám vào sinh sản.

e) Một cách trồng mới

Xây luống cao 30 – 40cm rồi đổ vỏ đậu phộng hoặc mụn xơ dừa vào luống và đặt cây giống vào trồng. Cách trồng này có nhiều điểm hay nếu với mục đích cắt cành. (như giảm chi phí chậu, sạp, bộ rễ phát triển nhiều…)

Qua khảo sát và có sự điều chỉnh, tôi thấy nên làm bồn (luống) có bờ gạch hoặc đê bao quanh với chiều ngang khoảng 1,2m, cao khoảng 40cm, dài thì tùy, trên mặt bằng không bị đọng nước; luống này cách luống kia ít nhất 60cm. Chất trồng nên dùng than tổ ong đã qua sử dụng lót dưới đáy 1 lớp (để nguyên cục than cho các lỗ quay lên trên và dưới). Nếu bồn cao quá thì dùng 2 lớp, sau đó phủ 1 lớp mỏng xơ dừa xé tơi hoặc lưới lên trên. Cuối cùng dùng trấu sống 1 phần, mụn xơ dừa 1,5 phần, trộn đều đổ lên trên có độ dày khoảng 10cm, gạt cho bằng phẳng và ém nhẹ, sau đó moi lỗ đặt cây lan vào. Nếu cây lan chưa đứng vững được thì nên dùng cọc và cột chúng vào. Mỗi hàng ngang là 5 cây lan, hàng dọc cây cách cây khoảng 25cm.

Lưu ý: Đối với những cách trồng (a) (b) (c) thì chất trồng không được lấp quá căn hành (vừa đến chỗ rễ mọc phía dưới là được). Bất cứ cách trồng nào thì cây lan cũng không được lung lay vì nếu cây lung lay rễ sẽ không bám vào chất trồng hoặc bị trầy xước dễ bị nhiễm bệnh…

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 6)