Tiếp theo chuỗi bài kỹ thuật trồng lan Dendrobium, sẽ là phần cực kỳ quan trọng. Đó là phần Kỹ Thuật Chăm sóc cây lan Dendrobium. Trong phần này tôi sẽ chia làm 3 phần: Tưới nước, Bón phân, Phun chất điều hòa sinh trưởng.
Trong phần 8 này tôi sẽ tập trung về phần Tưới nước cho cây lan như thế nào là hợp lý.
Người xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Đến nay vẫn đúng! Vậy muốn trồng lan, trước hết nước phải được quan tâm đặc biệt là có thích hợp với nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây lan lâu dài hay không ?
Lan Den hầu hết là thích nghi với nước có độ pH từ 6,5 đến 7 và không mặn là được. Ngoài pH ra cũng cần kiểm nghiệm xem trong nước có chất gì trong đó để ta điều chỉnh cho thích hợp qua chế độ bón phân.
Cây lan Den nếu thiếu nước giả hành sẽ móp lại tạo ra những rảnh lõm dọc theo thân, lá phía dưới mau rụng và rụng dần lên trên, chòi non sẽ mọc yếu. Vì vậy, việc bảo đảm độ ẩm chất trồng và độ ẩm không khí trong vườn là hết sức cần thiết.
1. Thời gian tưới
Mỗi ngày nên tưới đẫm lần đầu vào khoảng 8 hoặc 9h. Sau đó nếu nắng nóng thì nên tưới phun sương 1 hoặc 2 lần trong ngày để giảm nóng trong vườn. Trong trường hợp chất trồng bị khô quá thì nên tưới thì nên tưới đẫm lại để bổ sung.
Dù tưới đẫm hay tưới giảm nhiệt thì lần tưới cuối cùng trong ngày phải đảm bảo 2h đồng hồ sau thân, lá không còn ẩm ướt. Mục đích là ngăn ngừa các loại bệnh phát sinh vì nấm (mốc) và vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở nhiều khi có độ ẩm cao kéo dài quá 2h trong điều kiện nhiệt độ thích hợp. Do vậy, thời gian cuối ngày vào khoảng 16h không nên tưới vì sau khi tưới nếu độ ẩm cao kéo dài kết hợp với độ ẩm ban đêm thì cây lan rất dễ bị bệnh. Và những hôm trời âm u không khí có độ ẩm cao thì cũng không nên tưới.
2. Lượng nước tưới
Có một nguyên tắc cần nhớ nằm lòng là: “Cây có là nhiều thì tưới nhiều, cây có ít là thì tưới ít, cây không có là thì chỉ giữ ẩm chất trồng là được”. Vì vậy, những cây lan nào có nhiều giả hành và nhiều lá ta nên tách chúng ra riêng để tiện cho việc tưới nước, do chúng thường có nhu cầu hút nước nhiều hơn những cây ít lá. Còn đối với những cây không còn lá hoặc ít lá nếu tưới nhiều dễ làm đọng nước làm thúi rễ.
3. Cách tưới
Nên dùng vòi phun cho giọt nước mịn ra vì nó sẽ không làm dập lá non cây lan. Một lợi điểm nữa là giọt nước mịn sẽ nhận được nhiều oxy hơn, nên có trường hợp nước pH = 5 dùng vòi phun áp lực cao và đứng xa 2 – 3m tưới lan vẫn không sao (vì nước có nhiều oxy pH sẽ tăng lên). Nếu chúng ta sử dụng nước giếng dù nó có đạt pH chuẩn, cũng cần phải chứa lại trong bồn từ 48h trở lên để hấp thụ thêm oxy, do nước ngầm gần như không oxy (yếm khí).
Những vấn đề cần lưu ý:
– Việc tưới lan không chỉ mang ý nghĩa cung cấp nước cho chúng mà còn mặt ý nghĩa phòng trừ dịch hại. Chẳng hạn, sau một thời gian 5 – 7 ngày nắng liên tục thì cơn mưa đầu tiên sẽ rửa trôi bụi bặm (mầm bệnh) trên lưới lan xuống cây lan. Nếu lượng mưa không đủ lớn để rửa trôi mấy thứ đó thì chúng ta cần phải tưới lại ngay. Bên cạnh đó, những cơn mưa như vậy đôi khi có độ pH thấp (mưa acid) thì việc tưới cũng góp phần ổn định môi trường cho cây lan.
Ngoài ra, đối với loài nhện đỏ hay trú ẩn ở mặt dưới của lá và rệp sáp hay bám vào chồi non thì việc tưới nước đủ và môi trường ẩm, mát làm chúng nó khó phát triển (do chúng sinh sản trong điều kiện khô nóng). Khoảng 1 tuần nên tưới ngược phía dưới lên 1 lần thì nhện đỏ gần như không có vì chúng bị rửa trôi và trứng bị ung.
– Đối với những chậu trồng xong từ 3 – 4 tháng trở lên, thường ở đáy chậu và phía ngoài ở vành đáy chậu thường đóng một lớp muối khoáng do quá trình bón phân, phun thuốc tích tụ lại. Khi rễ lan chạm vào những chỗ này thì đầu rễ lan sẽ bị thun lại, có khi thối nhũn luôn. Để ngừa trường hợp này, sau 2 – 3 kỳ bón phân chúng ta nên phun nước ngược từ dưới lên để rửa đáy chậu.