Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 16)

gioi-duc-hoa-tren-cay-lan-dendrobium

Bài trước ta vừa xong về các loài nấm gây hại, ở bài này ta tiếp tục nói về các loài côn trùng gây hại trên cây lan Dendrobium.

Côn Trùng

Nếu như bệnh trên cây lan có quá nhiều thì côn trùng gây hại trên cây lan Dendrobium cũng không hề kém cạnh gì. Các loài nấm có kháng thuốc chưa thì tôi chưa biết được, nhưng côn trùng kháng thuốc đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít vườn lan. Chúng gần như có mặt khắp nơi, vì mỗi loài có khả năng thích nghi với nhiều loài cây. Do đó, chúng ta diệt trong vườn vừa xong thì nơi khác lại kéo đến.

Chính vì vậy trong phần này tôi cũng chỉ nêu một số loài tôi biết vì sự giới hạn hiểu biết của mình.

Giòi đục hoa

– Khoảng năm 2006 – 2007 chuyện giòi đục hoa được xem là chuyện nhỏ nhưng vào năm 2010 – 2011 chúng bùng phát mạnh và gây thiệt hại gần 100% trên toàn vườn lan. Chậu hoa nào cung bị chúng làm hư phát hoa hoặc một vài hoa. Có những phát hoa vừa nhú ra được một vài hoa thì đã tịt.

– Loài giòi này chính là ấu trùng của một loài ruồi có tên khoa học là Contarinia maculipennis.

– Ruồi để trứng vào đầu phát hoa và các nụ hoa khi còn non, ấu trùng sau khi nở chui sâu vào trong nụ. Chúng ăn các mô bên trong nụ hoa làm cho nụ bị nhũn bên trong và bị biến dạng, khi gây hại trên nụ còn non chúng làm rụng luôn cả nụ hoa.

ruoi-Contarinia-maculipennis-gay-hai-tren-cay-lan
Ruồi Contarinia maculipennis gây hại trên cây lan

–  Vì đây là đối tượng dịch hại mới nên sự hiểu biết của tôi về chúng còn giới hạn. Tôi chỉ ghi nhận được là giòi có kích thước lớn hơn sợi tóc một chút, lúc còn non có màu trắng dài khoảng 1mm, khi lớn hơn có màu vàng, lúc này chúng dài khoảng 2mm. Chúng có sức bật rất mạnh, rất xa – xa gấp trăm lần chiều dài của chúng. Theo KS Phạm Thị Hòa, chính nhờ khả năng này, khi đến giai đoạn nào đó chúng chui vào trong đất hoặc chất trồng và lột xác thành ruồi trưởng thành. Con trưởng thành sống được khoảng 4 ngày và trong thời gian này chúng giao phối sinh sản ra thế hệ tiếp theo. Vòng đời của chúng là 21 – 32 ngày tùy theo nhiệt độ và điều kiện môi trường.

– Để diệt được ruồi trưởng thành là hơi bị khó vì chúng di chuyển nhanh, các loài thuốc lưu dẫn đã vào mô cây còn chúng ở bên ngoài nên diệt không hiệu quả lắm. Các loại thuốc tiếp xúc, tuy có hiệu quả do ruồi đậu vào phát hoa hoặc hoa sẽ bị dính thuốc và chết. Tuy nhiên do điều kiện môi trường hoặc việc tưới nước làm cho thuốc giảm hiệu lực nhanh chóng nên hiệu quả diệt ruồi cũng bị giảm.

– Hiện nay, để diệt chúng. Chúng ta nên sử dụng một loạt các biện pháo tổng hợp. Đó là, dùng các loài thuốc có tác dụng lưu dẫn nhằm diệt ấu trùng của chúng (giòi) ở bên trong hoa. Đồng thời dùng xúc tiếp xúc pha chung chất bám dính để diệt ruồi trưởng thành bằng cách phun cục bộ (phun lên phát hoa). Nếu tình hình dịch hại nghiêm trọng ta phun thuốc để diệt ruồi 2 ngày/1 lần (ngày phun ngày nghỉ). Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra vườn lan và loại bỏ những phát hoa, nụ hoa bị biến dạng, thối nhũn đem đốt ngay hoặc nhúng nước sôi để hạn chế số lượng giòi. Lưu ý, không chôn lấp những phát hoa hay nụ hoa này vì giòi con sống sẽ chui xuống đất…và thành ruồi. Bên cạnh đó thường xuyên đặt bẫy ruồi cách xa giàn lan để diệt ruồi trưởng thành.

Thuốc trị
Tên HC hoặc TP Tên TM
– Methomyl (LD) – Lannate
– Diazinon (xông hơi, LD) – Vibasu
– Cypermethrin (tiếp xúc) – Secsaigon
– Alpha Cypermethrin (tiếp xúc) – Sapen Alpha, Fastac
– Imidacloprid – Confidor, Admire, Amico

 

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 17)