Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 13)

phong-tri-dich-hai-cho-cay-lan-dendrobium

Các loại dịch hại và cách phòng trị

Nói về dịch hại trên cây lan Dendrobium thì nhiều “vô kể”. Ai yếu bóng vía đọc là hết muốn trồng luôn! Thật vậy! Nếu mọi thứ đơn giản thì lan Den bán đầy như rau muống ở chợ!

Cũng chính vì dịch hại trên cây lan Dendrobium quá nhiều thứ nên với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chỉ có thể nêu lên được một số dịch hại phổ biến và mức độ thiệt hại nó gây ra có thể làm sập tiệm như chơi mà thôi. Còn các loại dịch hại khác nằm ngoài bài viết này mong bạn đọc thông cảm tự tìm hiểu thêm!

Bệnh

Bệnh trên cây lan Dendrobium được tách ra làm 2 phần: phần thứ nhất là bệnh sinh lý của cây do môi trường như: ánh sáng, nước, chế độ phân bón, chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật…tác động; phần thứ hai là do các loài nấm, vi khuẩn và vi rút gây ra.

Bệnh sinh lý trên cây lan Dendrobium

Để biết sức khỏe trên cây lan ra sao chúng ta nên thường xuyên theo dõi bộ rễ và lá để đoán bệnh.

Các đầu rễ thường có một đoạn non dài khoảng 1 – 2 cm (càng dài càng tốt) và trong trường hợp này cây lan mọc rất mạnh. Nếu thấy chúng ngắn lại dần hoặc không còn phần non là chắc chắn có vấn đề (trừ lan rừng vào mùa nghỉ). Lúc này chúng ta phải quan sát cả vườn và dùng phương pháp loại trừ dần để tìm ra nguyên nhân chính. Ví dụ: Hiện tượng trên diễn ra cả vườn thì cần xem lại những yếu tố tác động chung như: nước tưới, phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật…Còn nếu nó chỉ xảy ra ở một vài chậu hoặc vài khu vực thì loai những yếu tố tác động chung và tìm hiểu trước đó khoảng 10 ngày trở lại chúng ta đã có tác động gì riêng rẽ không? thì khả năng phán đoán rất cao.

Trong trường hợp cây lan bị “chai ngắt” không lớn được, lá, thân và hoa bị dị dạng thì cần xem lại việc phun KTTT hơi bị dư. Trường hợp bón phân quá liều hoặc không đúng cách thì rễ sẽ bị đốm và phần non ngừng phát triển.

Bệnh do nấm

Như chúng ta đã biết, bào tử nấm có mặt khắp mọi nơi, vì chúng quá nhỏ nên bay lơ lửng trong không khí với số lượng hang ti tỉ trong 1m3. Chúng có thể bám vào tất cả các nơi, nếu gặp điều kiện thuận lợi như đã nêu ở các phần trước thì chúng sẽ sinh sôi nảy nở với thời gian được tính bằng giờ! Vì vậy đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta sẽ tiêu diệt được hết mà hãy xác định đây là “một cuộc chiến không hồi kết”. Chúng ta diệt số đang sinh sôi nảy nở, thuốc vừa hết hiệu lực thì số khác lại hoành hành. Do vậy phòng bệnh phải đặt lên hang đầu

Trong rất nhiều trường hợp sau, khi bón phân xong, cây lan cũng bị phát bệnh dù nó đang trong thời kỳ sinh trưởng mạnh (nhất là bón phân hữu cơ qua lá). Tại sao vậy? Vì phân bón là thức ăn của cây lan cũng đồng thời cũng là thức ăn của nấm như đã phân tích ở các phần trước. Chúng ta vừa cung cấp độ ẩm và thức ăn và cho chúng thì còn gì bằng. Đó là chưa kể trong nhiều loại chế phẩm B1, phân đạm hữu cơ (đạm cá) khi dùng chưa hết là trong chai đã có chúng rồi (do mở nắp bị nhiễm) và việc phun chẳng khác nào ta cấy giống ra khắp vườn.

Vào mùa mưa, bón phân xong, lan thường bị bệnh nhiều hơn mùa nắng, nếu liệu không ổn thì sau khi bón phân buổi sáng buổi chiều nên phun ngừa bệnh. Ngoài ra, việc vệ sinh cây lan và vườn thường xuyên (thu gom và cắt bỏ lá bệnh, diệt cỏ…) cũng góp phần làm giảm độ lây lan của chúng.

Nấm Phytophthora cactorum gây bệnh thối nhũn

Đây là loại nấm nguy hiểm đứng đầu bảng vì chúng làm chết cây rất nhanh. Chúng có khả năng thâm nhập bất cứ bộ phận của cây lan.

Đặc điểm là làm thối nhũn một phần hay toàn bộ cây lan.

Sự nguy hiểm của chúng ở chỗ, nó phát triển bên trong cây một cách kín đáo, đến khi chúng ta phát hiện được thì phần nào đó của cây lan bị vàng và nhũn là “kể như xong”.

benh-tren-cay-lan-dendrobium
bệnh thối nhũn trên cây lan dendrobium

Để phòng bệnh này, đòi hỏi chúng ta phải kiểm soát liên tục. Nếu mưa liên tục gây ra ẩm ướt quá cao thì chắc luôn là cây lan sẽ bệnh. Vì vậy sau khi mưa tạn, cây vừa ráo nước thì chúng ta tranh thủ dùng thuốc phun ngăn ngừa ngay từ đầu. Tùy theo tình hình mà phun thuốc ngừa định kỳ. Nếu mưa nhiều ngày liên tục thì phun 5 ngày/1 lần, ít mưa hơn thì 10 – 15 ngày/1 lần. Nếu có áp thấp nhiệt đới thì cũng cần ra tay trước bất kể giờ nào trong ngày (lúc trời không có nắng), nếu chúng vừa nở ra thì có thuốc diệt chúng đang chờ. Và sau đó 4 – 5 ngày phun lại lần nữa là khá an toàn.

Thuốc trị gồm

Tên hoạt chất (HC) hoặc thành phần (TP) Tên thương mại (TM)
– Fostetyl Aluminium (lưu dẫn (LD) 2 chiều và KTTT) – Aliette, Alpine
– Metalaxyl (LD) – Mataxyl, Ridomil
– Propamocarb (LD) – Trebackbul

Xem tiếp Kỹ Thuật Trồng Lan Dendrobium (Phần 14)